davitec.vn

Nâng cao chất lượng hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Ngày 8/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tới dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp; Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Nguyễn Lương Trào… cùng đại biểu đại diện các bộ, ngành liên quan, đại diện lãnh đạo 282 doanh nghiệp XKLĐ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, giải quyết việc làm nói chung và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những nội dung của chương trình phát triển kinh tế đất nước nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xóa đói giảm nghèo, ổn định và phát triển đất nước.

 

Bộ LĐ-TB&XH đã xác định việc mở rộng và nâng cao chất lượng công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành và đã đạt được những kết quả quan trọng. Nếu tính từ 2007 đến nay, bình quân mỗi năm chúng ta đưa được khoảng 93 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tính từ 2012 trở lại đây, bình quân đưa 100 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm, đặc biệt năm 2016 đưa trên 126 ngàn lao động, vượt trên 26% kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng ta có thể thấy hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và yếu kém. Thị trường lao động quốc tế ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia cung ứng lao động. Nguồn lao động của chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, nhất là về ngoại ngữ, trình độ tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật, tình trạng lao động bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng bất hợp pháp ở một số địa bàn còn cao. Các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực XKLĐ nhiều, song một số đơn vị còn hạn chế về hiệu quả cũng như hoạt động, tình trạng lạm thu phí còn diễn ra, gây bức xúc trong nhân dân và người đi lao động ở nước ngoài. Công tác giám sát ở lĩnh vực XKLĐ còn nhiều điều phải chấn chỉnh, sự phối hợp giữa các ngành các cấp trong việc quản lý, đẩy mạnh các giải pháp chưa đồng bộ”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo số lượng, chất lượng ngày càng tăng, hoạt động đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài cần được mở rộng, đa dạng hóa các hình thức, thị trường tiếp nhận, phù hợp với cơ chế thị trường.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định thời gian tới, Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét 2 đề án về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đề án về đưa lao động có trình độ cao đi XKLĐ. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã đề xuất nhiều giải pháp chính để làm lành mạnh hơn thị trường XKLĐ: Rà lại các văn bản pháp luật liên quan để điều chỉnh và kiến nghị sửa đổi; đồng thời Bộ sẽ kiên quyết loại bỏ các thủ tục rườm rà hay “giấy phép con” tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động.

Bên cạnh đó, đối với việc quản lý các doanh nghiệp, Bộ trưởng khẳng định cần tập trung rà soát lại những doanh nghiệp có ý kiến phản ánh của nhân dân và người lao động. “Trong năm 2017, Bộ quyết định thanh tra thường xuyên, vừa rồi cũng đã đình chỉ, thu hồi giấy phép của một số doanh nghiệp. Bộ công khai, minh bạch, sai đâu sửa đó, doanh nghiệp có những hoạt động vượt quá hành lang pháp lý phải được chấn chỉnh kịp thời. Những vấn đề doanh nghiệp còn tồn tại, như thu phí cao quá qui định, tuyển dụng qua môi giới môi giới, cò mồi, bán giấy phép…. kiên quyết phải xử lý. Doanh nghiệp nào không thực hiện phải kiên quyết, không để vàng thau lẫn lộn, một mặt phát huy tối đa sức mạnh của các doanh nghiệp, chủ trương tạo điều kiện và mở doanh nghiệp, tuy nhiên trong quá trình cấp giấy phép phải công khai minh bạch đúng quy trình. Chúng ta có đề án nhằm nâng cao chất lượng, trách nhiệm của doanh nghiệp, trong năm vừa rồi còn nhiều lao động bị đối xử chưa tốt khi đi làm việc ở nước ngoài, chúng ta không vui về việc này, chúng ta không muốn để trường hợp này xảy ra, chúng ta tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhưng cũng bảo vệ quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phối hợp với đối tác nước ngoài, đối tác thường xuyên, truyền thống và mở thêm địa bàn mới, lĩnh vực mới, phối hợp trong nội bộ các cơ quan, với địa phương, giữa các doanh nghiệp với nhau thế nào để giảm cạnh tranh không lành mạnh.

Nguồn: Tin bài từ Cục quản lý lao động ngoài nước

 

 

Đăng ký tư vấn xuất khẩu lao động Nhật Bản miễn phí

Vui lòng nhập các thông tin dưới đây, đội ngũ tư vấn sẽ liên hệ tư vấn miễn phí cho bạn